Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt, tình yêu thương sâu sắc đối với các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng vì các cháu là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước. Bác căn dặn: "Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt". Chăm lo, bảo vệ và giáo dục trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng và tháng 6 hàng năm được xác định là Tháng hành động vì trẻ em Việt Nam.
Với chủ đề "Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em", Tháng hành động vì trẻ em năm nay là dịp để các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và toàn xã hội cùng chung tay, đồng lòng cam kết thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm trong việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả; tăng cường việc phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và trẻ em về thực hiện quyền trẻ em; vận động thực hiện có hiệu quả những chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án và tìm kiếm nguồn lực dành cho trẻ em...
Thông qua Tháng hành động vì trẻ em, mỗi tổ chức, mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi bậc ông, bà, cha, mẹ, cần nhận thức rõ trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, chung tay xây dựng môi trường an toàn, thường xuyên quan tâm, chăm sóc, giám sát bảo đảm an toàn cho trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em...
Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai, việc chăm lo, bảo vệ, giáo dục trẻ em chính là góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho sự phát triển của đất nước trong tương lai.
Theo khoản 1 Điều 4 Luật Trẻ em 2016, bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Trong đó, các biện pháp bảo vệ trẻ em ở cấp độ phòng ngừa bao gồm:
- Tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng, gia đình, trẻ em về mối nguy hiểm và hậu quả của các yếu tố, hành vi gây tổn hại, xâm hại trẻ em; về trách nhiệm phát hiện, thông báo trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi;
- Cung cấp thông tin, trang bị kiến thức cho cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người làm việc trong cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em về trách nhiệm bảo vệ trẻ em, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện các yếu tố, hành vi gây tổn hại, xâm hại trẻ em;
- Trang bị kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ để bảo đảm trẻ em được an toàn;
- Giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em;
- Xây dựng môi trường sống an toàn và phù hợp với trẻ em.
Bảo vệ, chăm sóc trẻ em được Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm, coi đây là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai.
Đối với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em khẳng định: “Trẻ em có quyền được chăm sóc đầy đủ và toàn diện ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ cho đến khi trưởng thành…”. Việt Nam là quốc gia phê chuẩn và cam kết thực hiện Công ước từ rất sớm. Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hiệp Quốc xác định 17 Mục tiêu toàn cầu về Phát triển bền vững, trong đó, có 4 mục tiêu trực tiếp tập trung vào sự phát triển của trẻ em trong những năm đầu đời, và 5 mục tiêu liên quan gián tiếp đến phát triển trẻ em toàn diện.
Việt Nam đã tích cực nội luật hóa các quy định của pháp luật quốc tế vào hệ thống pháp luật quốc gia, tạo hành lang pháp lý và định hướng cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, đảm bảo thực thi các quyền của trẻ em, giúp trẻ phát triển toàn diện. Đồng thời, hệ thống chính sách, biện pháp nhằm hỗ trợ cha mẹ trong chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ qua các giai đoạn phát triển cũng được xây dựng và đảm bảo thực thi.
Hiến pháp 2013 (Điều 37, chương II) quy định “Trẻ em có quyền được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.
Luật Trẻ em (2016) từ Điều 23 đến Điều 32 quy định về trách nhiệm của gia đình đối với sự phát triển của trẻ em, coi gia đình là người trước tiên chịu trách nhiệm đối với trẻ em về: Đăng ký khai sinh; chăm sóc, nuôi dưỡng, dành điều kiện tốt nhất cho trẻ em; đảm bảo cho trẻ em sống chung với cha mẹ; bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em; bảo vệ sức khỏe, bảo đảm quyền được học tập; đảm bảo điều kiện vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa nghệ thuật phù hợp với lứa tuổi; đảm bảo quyền phát triển năng khiếu, quyền dân sự; đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến, tham gia hoạt động xã hội. Luật nghiêm cấm cha mẹ bỏ rơi con; Khi cha mẹ gặp khó khăn tự mình không giải quyết được, có thể yêu cầu và được cơ quan, tổ chức hữu quan giúp đỡ để thực hiện trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em. Luật trẻ em đồng thời quy định trách nhiệm của Nhà nước trong hỗ trợ cha mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em, thông qua xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách, chương trình; và đảm bảo cung cấp các dịch vụ về y tế, giáo dục, vui chơi, giải trí, bảo vệ, chăm sóc, trợ giúp cho trẻ em; bảo đảm thực hiện các biện pháp theo dõi sức khỏe định kỳ cho phụ nữ mang thai và trẻ em theo độ tuổi; chăm sóc dinh dưỡng, sức khỏe ban đầu và tiêm chủng cho trẻ em….
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Điều 69) quy định nghĩa vụ và quyền của cha mẹ trong chăm sóc trẻ em: Cần thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
Bộ Luật Lao động (2012) dành một chương riêng quy định liên quan lao động nữ, trong đó, quy định tạo điều kiện cho phụ nữ khi mang thai, nuôi con nhỏ, như: Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh là 6 tháng, tạo điều kiện cho trẻ nhỏ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; các quy định bảo vệ thai sản đối với lao động nữ; quy định trợ cấp khi nghỉ để chăm sóc con ốm, khám thai, thực hiện các biện pháp tránh thai; quy định các công việc không được sử dụng lao động nữ khi công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con.
Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư đã chỉ đạo cần đẩy mạnh việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn hỗ trợ hôn nhân và gia đình; thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ phụ nữ; quan tâm vấn đề dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em và đặc biệt cần xây dựng chương trình giáo dục quốc gia về gia đình, chú trọng giáo dục sớm, giáo dục tiền hôn nhân.
Một số Khẩu hiệu tuyên truyền Tháng hành động vì trẻ em năm 2024:
- Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em;
- Chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em;
- Chăm sóc sức khỏe tâm thần để trẻ em phát triển toàn diện;
- Phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em là bảo đảm quyền được sống của trẻ em;
- Hãy cho trẻ em học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước;
- Tổng đài 111 - tiếp nhận thông tin mọi lúc, bảo vệ trẻ em mọi nơi;
- Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động;
- Gia đình, nhà trường cùng đồng hành để trẻ em được an toàn trên môi trường mạng;
- Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng;
- Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.
BAN BIÊN TẬP