Thực tiễn hoạt động truyền thông về quyền con người của Việt Nam
Mọi chính sách của Việt Nam luôn đặt con người ở vị trí trung tâm, coi con người là động lực và mục tiêu của quá trình phát triển đất nước. Năm 1992, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 12/CT/TW ngày 12-7-1992 về “Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta”; Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 2-12-2004 về “Tăng cường công tác bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền trong tình hình mới”; Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 20-7-2010 về “Công tác nhân quyền trong tình hình mới”; Ban Bí thư ra Thông báo kết luận số 46-TB/TW ngày 6-2-2018 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 44-CT/TW, trong đó nhấn mạnh cần “đổi mới tư duy, chủ động đẩy mạnh, mở rộng phạm vi, đa dạng hóa hình thức, nội dung thông tin, tuyên truyền để tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là thông tin, tuyên truyền đối ngoại về thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam; chủ động, kịp thời đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch về tình hình nhân quyền ở nước ta”.
Trực tiếp liên quan đến công tác tuyên truyền về quyền con người, trước Đề án 1079, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành một số Quyết định, đề án truyền thông liên quan đến quyền con người, trong đó nổi bật là Quyết định số 42/QĐ-TTg ngày 12-1-2017 phê duyệt Đề án tuyên truyền thành tựu của Việt Nam về dân chủ, nhân quyền, dân tộc và tôn giáo thực hiện trong giai đoạn 2017-2021; Quyết định số 16/QĐ-TTg ngày 2-3-2018 phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về quyền con người ở Việt Nam.
Có thể khẳng định, công tác tuyên truyền về nhân quyền luôn được coi trọng và xác định là một nội dung quan trọng trong công tác bảo vệ và đấu tranh về nhân quyền ở Việt Nam.
Hiện nay, công tác tuyên truyền về quyền con người đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn, đội ngũ các cán bộ làm công tác quyền con người đã nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò của công tác truyền thông và bước đầu đã được trang bị một số kỹ năng truyền thông cơ bản.
Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT), Ban Tuyên giáo Trung ương và Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ đã tổ chức hàng trăm cuộc tập huấn, hội nghị, hội thảo chuyên đề về công tác truyền thông quyền con người với hàng ngàn lượt cán bộ các cấp tham gia.
Cơ chế Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền được Bộ TTTT phối hợp với Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ duy trì định kỳ hàng tháng từ tháng 6-2016 đến nay đã góp phần thúc đẩy trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, đưa thông tin một cách chủ động và tích cực, chính thống về các nỗ lực và thành tựu đảm bảo quyền con người của các bộ, ngành, địa phương.
Văn phòng Nhân quyền của Chính phủ và Bộ TTTT đã tổ chức hàng chục đoàn phóng viên Việt Nam và quốc tế đi thực tế, viết bài tại cơ sở cai nghiện, trại giam, vùng dân tộc thiểu số, miền núi… Việc đưa phóng viên đi thực tế viết bài đã tạo nên sự chuyển biến rõ rệt về truyền thông quyền con người trên báo chí chính thống.
Từ sau Hiến pháp năm 2013 và nhất là trong các năm từ 2018 đến nay, cách tiếp cận quyền con người đã ngày càng được thể hiện sắc nét hơn trong đời sống báo chí, xuất bản nước ta. Cùng với báo chí truyền thống, các hình thức truyền thông trực quan, truyền miệng như tập huấn, triển lãm, phổ biến pháp luật vẫn là các hình thức chiếm ưu thế áp đảo. Các hình thức truyền thông mới như thông qua các trang web, truyền thông xã hội Facebook, Zalo, Youtube đã bắt đầu được quan tâm khai phá.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quyền con người, nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, thanh niên và người dân trong nước, một bộ phận người nước ngoài đã có những chuyển biến nhất định.
Hiểu biết về quyền con người và các quan điểm của Đảng, Nhà nước về quyền con người nhìn chung được vận dụng tốt trong các hoạt động đối nội và đối ngoại, bảo vệ, bảo đảm quyền con người cho mọi người dân, hợp tác và đấu tranh có hiệu quả trên trường quốc tế, góp phần đẩy lùi một bước những nhận thức lệch lạc, sai trái về quyền con người ở Việt Nam.
Những vấn đề đặt ra trong việc truyền thông về quyền con người
Hiện nay, công tác truyền thông về quyền con người ở Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức.
Một là, dù nhận thức được tầm quan trọng của truyền thông trong công tác nhân quyền nói chung, nhưng nhận thức, kiến thức trong lực lượng cán bộ làm công tác quyền con người chuyển biến còn chậm so với yêu cầu thực tiễn của đất nước, còn tồn tại nhận thức coi công tác quyền con người chỉ là công tác đấu tranh với các thế lực thù địch, tuyên truyền về quyền con người nặng về đấu tranh phản bác chính là nguyên nhân dẫn tới tâm lý e ngại trong chủ động phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí và người dân.
Hai là, việc phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí nhìn chung còn phải qua quy trình phức tạp, không kịp thời giải đáp sự quan tâm của dư luận, chưa chiếm thế chủ động về thông tin, nhất là trên môi trường mạng, còn để xảy ra sơ hở, sai sót bất lợi về truyền thông.
Ba là, thông qua các đề án, chương trình ở các giai đoạn trước, đa phần lực lượng làm công tác nhân quyền ở Trung ương và cấp tỉnh đã được tập huấn về công tác tuyên truyền về quyền con người, nhưng đối tượng tập huấn chưa phủ tới lực lượng tuyên truyền viên, nhất là cấp cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, các già làng, trưởng bản, con em các dân tộc ít người có trình độ văn hóa nhất định để giúp truyền tải nội dung giáo dục quyền con người, quan điểm của Đảng, Nhà nước về quyền con người một cách sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân. Hiệu quả tranh thủ báo chí và học giả ngoài nước ủng hộ Việt Nam chưa cao.
Bốn là, số lượng các sản phẩm truyền thông về quyền con người hiện còn rất khiêm tốn. Sách xuất bản chủ yếu là sách in bằng tiếng Việt, rất ít sách xuất bản bằng tiếng nước ngoài, sách điện tử. Các sản phẩm truyền thông đối ngoại mới dừng ở mức dịch lại từ sản phẩm đăng phát trong nước dẫn tới cách tiếp cận chưa phù hợp, tính thuyết phục chưa cao.
Năm là, hiện chưa có quy định thống nhất về kỹ thuật phục vụ lưu trữ, chia sẻ, dùng chung giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý, chia sẻ các dữ liệu hay sản phẩm truyền thông về quyền con người. Các sản phẩm truyền thông đa số chưa được số hóa theo một chuẩn thống nhất, phần đã số hóa được lại lưu trữ phân tán, tản mạn tạo tạo ra sự hạn chế hiệu quả truyền thông.
Sáu là, trong các đề án tuyên truyền về quyền con người hiện hành, một số đã hết hạn năm 2021, một số chỉ có phạm vi điều chỉnh hẹp chỉ triển khai về lĩnh vực hoặc một nhóm quyền theo một công ước cụ thể. Việc nhiều đề án liên quan đến quyền con người chủ yếu được ban hành theo danh mục bí mật nhà nước gây khó khăn, bất cập trong công tác phổ biến, triển khai thực hiện Đề án, hạn chế hiệu quả về đối ngoại.
Bảy là, đến nay Việt Nam đã tham gia vào nhiều trụ cột lớn của LHQ, từ chính trị, phát triển cho đến thúc đẩy, bảo vệ quyền con người. Mới đây Việt Nam đã lần thứ hai trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ. Với vị thế đó, Việt Nam có trách nhiệm và nỗ lực thực thi các cam kết quốc tế, các công ước cơ bản của LHQ về quyền con người, trong đó bao gồm các khuyến nghị theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền LHQ (UPR) chu kỳ III, khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền sau khi bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia thực thi Công ước LHQ về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR).
Giải pháp trong thời gian tới
Đề án 1079 được coi là bước đi tích cực thể hiện các nỗ lực của Việt Nam trong đảm bảo các quyền con người theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013 và thực thi có trách nhiệm các khuyến nghị của quốc tế về đảm bảo quyền con người ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập toàn diện của đất nước.
Bởi vậy, để tiếp tục triển khai thực hiện Đề án hiệu quả trong tương lai nói riêng và thúc đẩy việc truyền thông về quyền con người tại Việt Nam nói chung, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, thực hiện nghiêm kỷ luật phát ngôn và quy định pháp luật hiện hành về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước. Muốn làm tốt công tác phát ngôn, cung cấp thông tin thì các bộ, ngành, địa phương phải tổ chức theo dõi, tổng hợp dư luận báo chí, truyền thông trong và ngoài nước về lĩnh vực quyền con người có liên quan đến cơ quan, địa phương; xây dựng lập luận, phân công đơn vị, nhân sự thực hiện trách nhiệm phát ngôn giải thích làm rõ, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc thuộc phạm vi quản lý.
Hai là, tập huấn, nâng cao kiến thức về quyền con người và kỹ năng truyền thông về quyền con người cho cán bộ các cấp. Theo đó cần tích cực triển khai Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác quyền con người định kỳ hằng tháng; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ truyền thông về quyền con người cho các lực lượng tham gia công tác thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh, thành phố, ưu tiên phóng viên, biên tập viên báo chí, xuất bản; các lực lượng làm công tác nhân quyền, truyền thông các cấp.
Ba là, chủ động sản xuất các sản phẩm truyền thông, chú trọng cơ chế đặt hàng để thúc đẩy thông tin chính thống trên báo chí về thành tựu và nỗ lực của Việt Nam. Căn cứ 5 nội dung truyền thông và giải pháp về đổi mới hình thức các sản phẩm truyền thông được xác định tại Đề án 1079, các bộ, ngành, địa phương triển khai sản xuất, phổ biến các sản phẩm truyền thông về quyền con người bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài theo lĩnh vực phụ trách, đáp ứng mục tiêu cụ thể nêu tại Đề án 1079. Các đơn vị có thể tổ chức phát động các cuộc thi viết, tìm hiểu kiến thức pháp luật, thi ảnh, nghệ thuật về quyền con người.
Bốn là, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong truyền thông về quyền con người. Các bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh cần phát triển dữ liệu, số hóa, tích hợp, chia sẻ dữ liệu truyền thông về quyền con người vào cơ sở dữ liệu dùng chung. Bộ TTTT phải chủ trì xây dựng, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho cơ sở dữ liệu truyền thông về quyền con người phục vụ lưu trữ, kết nối, chia sẻ, khai thác chung.
Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế. Các bộ, ngành, địa phương chủ động khai thác các nguồn hỗ trợ, tài trợ hợp pháp của nước ngoài, tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành về bảo đảm các hoạt động liên quan đến thúc đẩy quyền con người. Việc tổ chức Hội nghị, hội thảo có yếu tố nước ngoài về nhân quyền cần tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý hoạt động đối ngoại.
Nguồn: Tạp chí Xây dựng Đảng