Trang Thông tin điện tử phường Minh Đức đăng tải toàn văn nội dung bài dự thi:
ĐẤU TRANH PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC
VỀ CÁN BỘ VÀ CÔNG TÁC CÁN BỘ
Tóm tắt:
Trong quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, cán bộ và công tác cán bộ của ta luôn phải đối mặt với rất nhiều luận điệu chống phá từ nhiều phía, nhất là thời gian gần đây, khi một loạt lãnh đạo cấp cao bị kỷ luật, cảnh cáo hoặc cho miễn nhiệm chức vụ thì các tổ chức phản động lại được dịp tung ra những chiêu trò xuyên tạc, bịa đặt, mỉa mai, bôi đen, chống phá, dù cũ mèm nhưng vô cùng nguy hiểm, thâm độc. Do vậy, chủ động nhận diện và đấu tranh kiên quyết với các luận điệu xuyên tạc về cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề mang tính cấp thiết của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và là trách nhiệm chính trị của mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng.
Từ khóa:
Cán bộ, công tác cán bộ, đấu tranh, luận điệu xuyên tạc.
1. Một số thủ đoạn các thế lực thù địch, phản động thường sử dụng để xuyên tạc về cán bộ và công tác cán bộ
Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, đòi hỏi phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững. Chính vì vậy, các thế lực thù địch đã tăng cường xuyên tạc về cán bộ và công tác cán bộ, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau đây:
Một là, tung tin đồn thất thiệt về công tác nhân sự, gây hoang mang trong dư luận
Đây là thủ đoạn được các thế lực thù địch sử dụng khá phổ biến trong thời gian gần đây. Với hình thức, phương pháp khá đơn giản, nhưng tính chất, mức độ nguy hại là vô cùng lớn. Bằng các trang web, mạng xã hội và một số “diễn đàn”, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị chủ ý vứt bừa lên không gian mạng vô số phương án, câu chuyện vô căn cứ; cố tình nhào nặn, giả định theo nhiều chiều hoặc đối ngược, hòng trông đợi: Nếu thông tin này không đúng thì có thông tin khác mang dáng vẻ của sự thuyết phục, rồi từ đó cấy ghép thêm tin giả, chi tiết bịa đặt nhằm chèo lái, gây nhiễu loạn dư luận. Mục đích của các luận điệu này là làm cho người đọc, người xem thiếu bản lĩnh và kinh nghiệm dễ lầm tưởng, khó phân biệt đúng sai.
Các tin đồn thất thiệt thường được các thế lực thù địch tung ra vào các thời điểm nhạy cảm như: Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông báo về việc xử lý kỷ luật cán bộ của ta mắc sai phạm; việc bãi nhiệm, miễn nhiệm cán bộ; công tác chuẩn bị nhân sự, nhất là nhân sự vào các vị trí quan trọng trong cơ quan Đảng, chính quyền... Ví dụ như, trong công tác nhân sự của một cơ quan, đơn vị nào đó, phương án quy hoạch nhân sự đã rõ mười mươi với những con người và cái tên cụ thể. Thế nhưng, chúng lại bịa ra nhiều tin đồn khác nhau: Tin thì đồng chí A sẽ nhậm chức vì được hậu thuẫn bởi ông này, bà kia, tin khác lại cho rằng đồng chí B sẽ xoắn ghế, tin khác nữa là đồng chí C được nâng đỡ, đấu đá nên ắt thành công... Cuối cùng, thể nào cũng có một tin được cho là đúng, hòng mục đích mị dân, bôi nhọ, chia rẽ đoàn kết nội bộ tổ chức.
Hai là, bịa đặt, bôi nhọ đời tư của cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang
Bịa đặt, vu cáo, xuyên tạc để bôi nhọ đời tư, phá hoại uy tín của cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang (LLVT), hạ bệ thần tượng, là một thủ đoạn thâm độc mà các thế lực chống đối, thù địch luôn đặc biệt chú ý. Thông qua việc bịa đặt, xuyên tạc, vu cáo, bôi nhọ đời tư của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, LLVT ở các thời kỳ trước đây đến lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước, LLVT hiện nay, đến bịa đặt, bôi nhọ về nguồn gốc xuất thân, gia đình, ông bà, bố mẹ tới bản thân người cán bộ; từ quá trình trưởng thành, học hành kém cỏi, thành tích bất hảo, tư cách đạo đức yếu kém trong những năm tuổi trẻ đến việc được nâng đỡ, ưu ái khuất tất của những người có chức, có quyền đối với cán bộ trong quá trình công tác; từ năng lực kém cỏi, dốt nát, không chịu học hỏi, không biết lắng nghe đến suy thoái đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch, quan hệ nam nữ bất chính, quan hệ “thân hữu” với các doanh nghiệp “sân sau” để vợ, con, anh em trong gia đình, họ hàng lợi dụng, trục lợi đến việc có khối lượng tài sản lớn, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều cổ phần, cổ phiếu, nhiều tiền, vàng gửi ở ngân hàng trong nước và nước ngoài, mà nguồn gốc của những tài sản đó không thể giải thích được, chỉ có thể có được từ tham nhũng, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, của xã hội... tức là tất cả những gì xấu xa của con người, có trong xã hội, ở chỗ này, chỗ kia, ở người này, người kia, được góp lại, gán ghép cho một người hòng làm mất nhân phẩm, danh dự và uy tín của họ trước tập thể và nhân dân; không chỉ dừng lại ở một cá nhân riêng lẻ, mà sâu xa, nguy hại hơn là nói xấu, bôi nhọ, làm mất uy tín của Đảng, Nhà nước, LLVT; phá hoại, làm giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, LLVT, chia rẽ nhân dân với Đảng, Nhà nước, nuôi dưỡng, kích động tâm lý chống đối Đảng, Nhà nước trong xã hội để cuối cùng là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, thay đổi chế độ chính trị ở nước ta.
Thời điểm các thế lực thù địch, phản động tập trung chống phá thường diễn ra vào dịp chúng ta tổ chức các sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, đất nước và dân tộc như: dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng, thành lập Nước; khi tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc bầu các chức danh lãnh đạo cấp cao của Đảng; khi bầu cử đại biểu Quốc hội, Quốc hội bầu các chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước... để làm mất uy tín cán bộ, gây rối nội bộ, khó khăn cho công tác lựa chọn cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, LLVT; phá hoại thành công của Đại hội Đảng, của bầu cử và các kỳ họp của Quốc hội...
2. Nhận diện và chủ động đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động về cán bộ và công tác cán bộ
Một là, về công tác nhân sự
Luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch cho rằng, trong thể chế chính trị một Đảng lãnh đạo ở Việt Nam, việc lựa chọn nhân sự sẽ không bảo đảm dân chủ, không thể lựa chọn được người đủ năng lực và đạo đức để lãnh đạo đất nước; cơ chế lựa chọn cán bộ tại Việt Nam thiếu minh bạch nên đã tạo ra chỗ trống cho những “chuyên gia hối lộ” ngồi vào vị trí lãnh đạo... Trong một bình luận của Đài Á Châu Tự Do (RFA), chúng xuyên tạc rằng, việc chuẩn bị đại hội như là hoạt động thay cho đại hội, là “xóa bỏ quyền của các đại biểu dự đại hội”; việc thực hiện công tác quy hoạch và đào tạo cán bộ cốt cán cho Đại hội XIII là Ban Chấp hành Trung ương đã “tước đi quyền tự do, dân chủ trong việc ứng cử, đề cử và bầu cử của các đại biểu dự Đại hội XIII”…
Trước hết, cần phải khẳng định, đây là luận điểm rất phản động, không đúng với quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng ta trong tiến hành công tác cán bộ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa…”[1]. Hơn ai hết, Đảng ta nhận thức rất rõ về vị trí, vai trò của bản thân mình. Để giữ vững vị trí là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng ta không ngừng tự đấu tranh, rèn luyện để ngày càng hoàn thiện hơn. Trong đó, vấn đề nhân sự được đặc biệt chú trọng vì cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Chính bởi vậy, việc lựa chọn nhân sự được Đảng đặc biệt quan tâm, chỉ đạo tiến hành một cách cẩn trọng, khách quan, bảo đảm dân chủ để có thể lựa chọn được cán bộ đủ đức, đủ tài tham gia lãnh đạo đất nước.
Những luận điệu tiêu cực về công tác cán bộ mà các đối tượng rêu rao ở trên là hoàn toàn sai trái, phi thực tế. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng để điều hành, định hướng, chỉ đạo về công tác cán bộ, như: Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và ngang tầm nhiệm vụ; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Bộ Chính trị ban hành Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016, về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Kết luận số 12-KL/TW, ngày 22-3-2017, về “Sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về công tác cán bộ”; Quy định số 85-QĐ/TW, ngày 23-5-2017, về “Kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”; Quy định số 89-QĐ/TW, ngày 4-8-2017, về “Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp” và Quy định số 90-QĐ/TW, ngày 4-8-2017, về “Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”, làm cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng cụ thể hóa tiêu chí đánh giá đối với cán bộ; Quy định số 98-QĐ/TW, ngày 7-10-2017, về “Luân chuyển cán bộ”; Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15-11-2017, về “Xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”, quy định cụ thể về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với đảng viên vi phạm, khắc phục tư tưởng “tư duy nhiệm kỳ” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và quan niệm khi đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác là “hạ cánh an toàn”; Quy định số105-QĐ/TW, ngày 19-12-2017, về “Phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử” để thay thế Quy định số 67, 68-QĐ/TW, của Bộ Chính trị khóa X, với tinh thần đổi mới là đẩy mạnh việc phân cấp quản lý cán bộ và bổ sung, hoàn thiện quy trình 5 bước khi tiến hành bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, chặt chẽ hơn.
Rõ ràng, công tác nhân sự của Đảng không phải là “sự áp đặt từ trên xuống” hay thiếu dân chủ và càng không có chuyện Đảng đặt ra những quy định trong công tác cán bộ là để tạo khoảng trống cho cán bộ chạy chức, chạy quyền như những gì các thế lực thù địch, chống đối đang hô hào. Để lựa chọn nhân sự vào các vị trí lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, chính quyền, chúng ta phải trải qua một quy trình cân nhắc, đánh giá, lựa chọn kỹ lưỡng. Không phủ nhận vẫn còn tình trạng chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm, nhưng không thể vì những vụ việc mang tính thiểu số đó mà đánh đồng với toàn bộ hệ thống cán bộ, phủ nhận hoàn toàn thành quả công tác cán bộ của ta.
Do vậy, dù ở góc độ nào thì công tác cán bộ của Đảng vẫn phải bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, mà trực tiếp là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy. Việc Đảng lãnh đạo công tác cán bộ không hề gây ra sự thiếu minh bạch trong công tác cán bộ, hay cản trở những người có năng lực lãnh đạo tham gia vào công việc của đất nước như một số đối tượng chống đối đang tung ra. Đảng lãnh đạo công tác cán bộ là một vấn đề tất yếu, khách quan để bảo đảm đất nước phát triển đúng định hướng. Nếu không có sự lãnh đạo thống nhất về công tác cán bộ của Đảng, nếu chúng ta lơ là, mất cảnh giác khi lựa chọn cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo cấp cao thì cũng đồng nghĩa với việc chúng ta tạo kẽ hở cho những kẻ chống đối có cơ hội chui sâu, leo cao vào tổ chức bộ máy Nhà nước, hình thành lực lượng đối lập về chính trị ngay trong lòng đất nước. Bài học xương máu từ sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa tại Liên Xô (nơi được coi là hệ thống thành trì của chủ nghĩa xã hội trên thế giới), vẫn còn nguyên giá trị đối với chúng ta, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ là do sai lầm trong công tác nhân sự, khi lựa chọn, sử dụng không đúng cán bộ, làm cho quyền lực của Đảng Cộng sản bị giao vào những người “nối giáo cho giặc”. Vì vậy, trong công tác cán bộ, Đảng, Nhà nước ta luôn luôn tiến hành cẩn trọng, theo một quy trình chặt chẽ, đúng Điều lệ, quy chế, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Mục tiêu cao nhất trong công tác cán bộ là lựa chọn đúng những người thực sự tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, đạo đức và lối sống, năng lực trí tuệ và trình độ tổ chức thực tiễn, được tín nhiệm để tiếp tục chèo lái con thuyền cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng.
Hai là, về công tác đánh giá, điều động, bổ nhiệm cán bộ
Luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch cho rằng, thực chất công tác đánh giá cán bộ chỉ là làm màu để dễ dàng tô vẽ thành tích của cán bộ; việc bổ nhiệm, cất nhắc cán bộ có sự “thương lượng”, “thỏa hiệp” giữa các “phe cánh”, việc lựa chọn cán bộ của Đảng không theo một quy chuẩn nào; các cán bộ lãnh đạo ở Việt Nam chỉ được cất nhắc vì có “lòng trung thành” với Đảng chứ không hề có năng lực lãnh đạo...
Có thể khẳng định, luận điệu trên là hoàn toàn mang tính chủ quan, phiến diện một chiều, đi ngược với các quan điểm của Đảng ta về công tác cán bộ. Thực tiễn cho thấy, quá trình lãnh đạo công tác cán bộ, đặc biệt, từ khi chúng ta tiến hành sự nghiệp đổi mới đất nước đến nay, Đảng ta luôn coi “cán bộ lãnh đạo các cấp là mắt xích quan trọng nhất mà Đảng ta phải nắm chắc để thúc đẩy những cuộc cải cách có ý nghĩa cách mạng”[2]. Theo đó, tư tưởng nhất quán và xuyên suốt trong đánh giá, bổ nhiệm, cất nhắc cán bộ của Đảng là: phải bảo đảm thật sự dân chủ, khách quan, với một quy trình chặt chẽ trong đánh giá cán bộ; phải từ lợi ích chung của cách mạng, từ chính sách cán bộ thống nhất của Đảng mà lựa chọn cán bộ một cách công minh, chống tệ quan liêu, cửa quyền trong công tác lựa chọn, bố trí cán bộ.
Trước hết, về đánh giá cán bộ, đây là nội dung lớn, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong toàn bộ công tác cán bộ, quyết định trực tiếp đến chất lượng cán bộ. Do vậy, Đảng ta luôn có nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, tầm quan trọng của việc đánh giá cán bộ, coi đây là vấn đề cơ bản, hệ trọng, là cơ sở để làm tốt các khâu khác trong công tác cán bộ, như: Lựa chọn, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách cán bộ. Bởi nếu đánh giá sai sẽ dẫn đến dùng người sai, bỏ sót người có tâm huyết, có năng lực, để các phần tử cơ hội có điều kiện chui sâu, leo cao, phát triển và tất yếu sẽ dẫn đến mất đoàn kết nội bộ; làm cho cán bộ tốt bi quan, chán nản, thậm chí “thui chột nhân tài”.
Bằng việc cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm và quy chế đánh giá cán bộ trong Luật cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010, Quy định số 214-QĐ/TW ngày 2-2-2020 về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Nghị định số 90/2020/NÐ-CP ngày 13-8-2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2-2-2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị... Đặc biệt, Quy định số 41 QÐ/TW ngày 3-11-2021 cũng quy định khi cán bộ có hơn hai phần ba số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định thì phải tiến hành xem xét miễn nhiệm và khi có hơn 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định thì tiến hành xem xét cho cán bộ từ chức... đây được coi là cơ sở pháp lý để cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị từng bước hoàn thiện tiêu chuẩn cán bộ, mục tiêu, yêu cầu, nội dung các tiêu chí đánh giá, bảo đảm các yếu tố khách quan, chủ quan ảnh hưởng tới chất lượng đánh giá cán bộ, đến việc cụ thể hóa quy trình đánh giá phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng trong từng giai đoạn cách mạng. Bên cạnh đó, nội dung đánh giá, thời điểm đánh giá, quy trình đánh giá cán bộ đã được xác định rất chi tiết, cụ thể, thông qua nhiều khâu, nhiều bước, từ việc bản thân cán bộ tự kiểm điểm, đánh giá; tập thể nơi cán bộ công tác đánh giá; cấp ủy nơi cán bộ công tác và cư trú đánh giá; cấp trên và cấp dưới đánh giá; các tổ chức đoàn thể mà cán bộ đó là thành viên đánh giá; lấy ý kiến nhận xét của quần chúng nhân dân được triển khai đồng bộ ở các cấp, các ngành, không phân biệt phạm vi, đối tượng, tất cả đều thực hiện theo một quy trình thống nhất. Diện lấy thông tin về cán bộ được mở rộng hơn; từng bước khắc phục được tình trạng nể nang, né tránh trong tự phê bình và phê bình. Do đó, không thể có chuyện công tác đánh giá cán bộ của Đảng ta là làm màu để tô vẽ thành tích cho cán bộ như những gì mà các thế lực, thù địch phản động tung hô.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Phải lựa chọn cán bộ thật kỹ lưỡng, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn, phải kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ vi phạm, thoái hoá, biến chất”, “phải có con mắt tinh đời trong giới thiệu, đánh giá, lựa chọn nhân sự”. Dẫu vậy, việc lượng hoá tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ hiện nay ở nhiều đơn vị còn chung chung, chưa phản ánh đúng thực chất phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực thực tiễn cán bộ. Thậm chí việc lấy 2 tiêu chí định lượng cơ bản là chất lượng sản phẩm và tiến độ hoàn thành sản phẩm đem ra “đo” vẫn còn nhiều lúng túng. Giống như việc muốn “đo” nhưng lại “không có thước đo chuẩn”. Điều này dễ dẫn đến tình trạng “cào bằng” năng lực cán bộ trong đánh giá. Người có năng lực trung bình đôi khi cũng được đánh giá tương đương người có năng lực tốt. Cán bộ lãnh đạo đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm, nhưng công việc chung của đơn vị lại không đạt hiệu quả, đúng tiến độ, chậm đổi mới[3].
Thứ hai, trong điều động, bổ nhiệm cán bộ Đảng đã ban hành: Kết luận số 08-KL/TW ngày 15/6/2021 của Bộ Chính trị về tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định 41-QĐ/TW về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Quy định số 65-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ; Thông báo kết luận số 20-TB/TW ngày 8/9/2022 của Bộ Chính trị về “Chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật”, Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử... với quy trình 5 bước và phương châm “có vào, có ra, có lên, có xuống”, việc bãi nhiệm ai, đề cử ai đều được thực hiện đúng quy trình, quy định, công khai, minh bạch, không phải là việc làm cảm tính, xuôi theo chiều dư luận. Cần nói rõ, mọi quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khi được đưa ra đều đã được nghiên cứu, đánh giá, cân nhắc kỹ và hết sức cẩn trọng. Mục tiêu cao nhất ở đây là nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Bởi vậy, thay vì đồn đoán vô căn cứ về lý do của sự việc thì chúng ta cần theo dõi, nắm bắt những nguồn tin chính thống để có cái nhìn chuẩn xác, không bị mắc bẫy bởi những luận điệu xuyên tạc, chống phá.
Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng việc vận hành các quy trình liên quan đến công tác cán bộ ở một số nơi còn tồn tại sai phạm, có nơi sai phạm nghiêm trọng. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước đã phải đẩy mạnh công tác thanh - kiểm tra và xử lý sai phạm, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, làm trong sạch nội bộ. Đồng thời, chúng ta cũng không thể phủ nhận việc một số cán bộ khi có chức quyền trong tay đã nảy sinh những thói hư, tật xấu, bị lợi ích tiền tài, vật chất làm mờ mắt, dẫn đến việc để xảy ra các sai phạm trong khi thi hành công vụ. Nguyên nhân của các sai phạm trên xuất phát từ cá nhân của cán bộ. Việc quy chụp, đổ lỗi cho Đảng, Nhà nước là thiếu khách quan, vô căn cứ. Để đánh giá bản chất sự việc, cần có cái nhìn công bằng và chuẩn xác; không thể dựa trên những vụ việc đơn lẻ để đánh đồng với bản chất của một chế độ.
Ba là, về xử lý cán bộ sai phạm
Luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch cho rằng, việc bãi nhiệm, miễn nhiệm, xử lý cán bộ sai phạm chỉ là “phe cánh triệt hạ lẫn nhau”, là “thanh trừng phe phái”, là “tranh giành quyền lực”, “đấu đá nội bộ”, là “loại người của bên thua cuộc” để đưa những người của “bên thắng cuộc” lên... cho rằng thực chất Đảng dung dưỡng cho cán bộ tham nhũng để chính những người ấy sẽ bảo vệ sự tồn tại cho chế độ... Liên quan đến việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Thường trực đối với ông Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng với ông Vũ Đức Đam, Đài VOA giật ngay dòng tít quy chụp “Bộ chính trị thanh trừng hai phó thủ tướng”, rồi bàn đến chuyện “khuất tất đằng sau”. Ngày 1/1/2023, Đài Á Châu Tự Do (RFA) thì bình luận rằng đây là “cuộc xâu xé quyền lực mạnh được yếu thua” và lý giải nguyên nhân là “không có phe cánh, không có hậu thuẫn”.
Có thể khẳng định, việc cán bộ có sai phạm, không làm tròn trách nhiệm, không đủ khả năng đảm đương công việc thì phải “ra”, phải “xuống”, phải “lùi”, phải xử lý kỷ luật là điều đương nhiên. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương, khóa XII khẳng định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu tính Đảng, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, bị xử lý kỷ luật đảng và xử lý theo pháp luật”[4]. Do vậy, việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra làm rõ những sai phạm, quyết định kỷ luật và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, hoặc gần đây nhất, khi Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm hai Phó Thủ tướng; thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước và bầu Chủ tịch nước mới cũng là điều dễ hiểu trong hoạt động của một bộ máy nhà nước, thế nhưng các phần tử thù địch với Đảng Cộng sản Việt Nam lại cho rằng, đây là kết quả của việc “thanh trừng phe phái”, “tranh giành quyền lực”, “đấu đá nội bộ”, chúng tích cực lan truyền các thông tin suy diễn vô căn cứ, quy chụp, gán ghép các sai phạm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Dĩ nhiên, căn cứ, cơ sở được các “nhà dân chủ” đưa ra chỉ ở dạng phỏng đoán, vô thưởng vô phạt theo kiểu “một cán bộ giấu tên cho biết”, “theo giới thạo tin”, “nguồn tin bên lề”…
Tuy nhiên, cũng phải nói rõ hơn, cái gọi là tranh giành quyền lực theo giọng điệu của các thế lực thù địch chính là tranh giành giữa các đảng phái, chủ thể chính trị khác nhau vì lợi ích cá nhân, còn khi Đảng ta thực hiện công tác cán bộ, khi bổ nhiệm người này, bãi nhiệm người kia, xử lý kỷ luật để tạo sự răn đe, cảnh tỉnh cho đội ngũ cán bộ không thể gọi là tranh giành quyền lực vì đây là thay đổi nhân sự/cán bộ, là điều hết sức bình thường trong mọi tổ chức, mọi bộ máy không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Điển hình là ở nước Anh, trong chưa đầy 2 tháng, đã có tới ba vị thủ tướng. Hai người là bà Theresa May và ông Boris Johnson vì không đáp ứng được kỳ vọng của đảng cầm quyền, của cử tri, phải từ chức trước sức ép dư luận, hay hai vị Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Yoshihide Suga liên tiếp đều từ chức, cá biệt, ngày 24-11-2021, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson đã từ chức chỉ sau vài giờ cầm quyền. Điều lạ là với các quốc gia như vậy, không thế lực nào, không tờ báo nào rêu rao rằng họ “thanh trừng” lẫn nhau hay đấu đá quyền lực, mà chỉ tập trung vào nguyên nhân cốt lõi khiến họ phải “xuống”, phải “ra” để nhường chỗ cho người có năng lực hơn. Vậy mà ở Việt Nam, các sự kiện tương tự lại bị lái sang hướng khác để bôi nhọ, hạ thấp. Lý do vì sao lại có “tiêu chuẩn kép” như vậy chắc ai cũng có thể đoán ra. Do vậy, chúng ta phải có cái nhìn khách quan, toàn diện trong công tác cán bộ, việc miễn nhiệm, bãi nhiệm, xử lý cán bộ sai phạm của Đảng chỉ nhằm mục đích loại bỏ người thiếu đức, thiếu tài, chọn người có tâm, có tầm vào đúng vị trí để làm Đảng vững mạnh, tiếp tục phát triển như một cái cây tươi tốt, không còn cành sâu mục.
3. Chấn chỉnh công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ trong giai đoạn mới
Một là, phải nhận thức đầy đủ, toàn diện, sâu sắc về vai trò, vị trí của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ; nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; phải đặc biệt coi trọng việc đánh giá và bố trí đúng cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược và bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp.
Hai là, phải thường xuyên đổi mới công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đặc biệt chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, không ngừng nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống và rèn luyện, thử thách cán bộ qua thực tiễn công tác, nhất là ở những địa bàn, lĩnh vực khó khăn để nâng cao bản lĩnh chính trị, nhân sinh quan cách mạng cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ.
Ba là, phải quán triệt quan điểm giai cấp của Đảng, phù hợp với chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc và căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng trong từng thời kỳ để xây dựng đội ngũ cán bộ; phát huy hiệu quả vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí, truyền thông và của nhân dân trong xây dựng đội ngũ cán bộ.
Bốn là, công tác cán bộ phải phát huy tối đa trí tuệ của tập thể, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và tiến hành dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch. Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực, nhất là kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ đối với người đứng đầu.
Năm là, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, điều kiện để khuyến khích đổi mới sáng tạo; đồng thời có cơ chế để bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Kết luận:
Cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng. Do vậy, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc về cán bộ và công tác cán bộ là nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn hiện nay, là trách nhiệm chính trị của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, giữ vững lập trường chính trị tư tưởng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, chủ động phát hiện và kịp thời đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu xuyên tạc, góp phần giữ vững mối quan hệ đoàn kết thống nhất trong Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch vững mạnh, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 1.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI,VII,VIII,IX,X,XI), Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2022), Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2018), Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.